Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Người dân chủ quan trước dịch bệnh khiến ca mắc ngày càng cao, các bệnh viện đang đối diện với tình trạng quá tải.
Sáng 27-6, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại các bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM.
Hành động nhỏ, hiệu quả lớn
Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết:
– Dành 10 – 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
– Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
– Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
– Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn,…đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Đối với người bệnh sốt xuất huyết được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà cần chú ý theo dõi những dấu hiệu trở nặng như: đau bụng nhiều và liên tục; nôn ói nhiều, nôn ra máu; chảy máu chân răng; chân tay lạnh, bồn chồn, vật vã, lừ đừ, li bì… cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 26-7 cho biết, tính đến ngày 21-7, TP ghi nhận 32.011 người mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 là 8.128 ca, trong đó sốt xuất huyết nặng là 502 ca.
Tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến ngày 24-7 là 1,6% (502/32.011), tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,5% (38/8.128).
Trong tuần 29 (từ ngày 15 đến 21-7), TP ghi nhận 3.108 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 3 ca (0,1%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca khám ngoại trú tăng 7,9%, tuy nhiên số ca nhập viện điều trị nội trú giảm 6,9%.
Cũng trong tuần này đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại quận 6. Như vậy số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 13 người.
Có 12/22 quận huyện và TP Thủ Đức có số ca sốt xuất huyết tăng ở mức cao gồm: quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Cần Giờ và TP Thủ Đức. Không ghi nhận quận huyện có số ca bệnh tăng ở mức vượt ngưỡng báo động so với trung bình 4 tuần trước.
Toàn TP ghi nhận 209 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 101 phường, xã thuộc 19/22 quận, huyện và TP Thủ Đức; giảm 41 ổ dịch mới so với tuần trước (250 ổ dịch).
Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 450 ổ dịch và có 9 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 567 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 186 phường, xã thuộc 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
HCDC cũng cho biết, tính đến ngày 21-7, TP ghi nhận 10.316 người mắc bệnh tay chân miệng. Trong tuần 29, TP ghi nhận thêm 597 ca bệnh tay chân miệng, giảm 130 ca (17,8%) so với trung bình 4 tuần trước đó.
Trong đó số ca bệnh giảm ở cả trường hợp khám ngoại trú và trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Có 3/22 quận huyện có số ca bệnh trong tuần tăng cao so với số ca trung bình 4 tuần trước là quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Trong tuần không ghi nhận ổ dịch tay chân miệng mới trên toàn TP, giảm so với tuần 28 (1 ổ dịch). Số ổ dịch tích lũy đến ngày 21-7 là 66 ổ dịch.