Quy trình xử lý khi bệnh viện phát hiện có trường hợp COVID-19 (+)
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, vai trò phát hiện ca bệnh COVID-19 (+) của các bệnh viện ngày càng trở nên quan trọng. Nếu bệnh viện chủ động phát hiện sớm ca bệnh (+) qua khám sàng lọc sẽ giúp cho công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch trong cộng đồng hiệu quả hơn; ngược lại, nếu bị động thì bệnh viện trở thành nơi lây nhiễm chéo với những hậu quả nặng nề.
Căn cứ vào các quy định của Bộ Y tế và từ thực tiễn trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố, Sở Y tế cụ thể hoá thành Quy trình xử lý khi bệnh viện phát hiện có trường hợp COVID-19 (+), theo đó, tuỳ thuộc việc phát hiện ca bệnh COVID-19 (+) tại bệnh viện là chủ động hay bị động mà chọn giải pháp xử lý phù hợp. Cụ thể như sau:
1. Xác định việc phát hiện ca bệnh COVID-19 (+) tại bệnh viện là chủ động hay bị động?
– Phát hiện ca bệnh COVID-19 (+) chủ động: qua khai báo y tế, khám/cấp cứu sàng lọc ngay khi người bệnh đến bệnh viện.
– Phát hiện ca bệnh COVID-19 (+) bị động: phát hiện qua xét nghiệm tầm soát người bệnh, thân nhân người bệnh và nhân viên (do bệnh viện hoặc HCDC thực hiện), người mắc không được phát hiện sớm qua khâu khám sàng lọc, đã vào khu vực khám ngoại trú, khu vực vực điều trị nội trú, có nguy cơ lây lan trong bệnh viện.
2. Chọn giải pháp xử lý tình huống phù hợp:
2.1. Tình huống 1: Ca bệnh COVID-19 (+) được phát hiện một cách chủ động:
Bệnh viện báo cáo ngay Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC); tạm ngưng hoạt động khám và điều trị ngoại trú, tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân mới, đồng thời triển khai ngay các hoạt động sau:
1) Truy xuất camera xem có nhân viên nào thuộc diện F1 để cách ly tập trung theo quy định (không tuân thủ quy tắc an toàn phòng chống lây nhiễm COVID trong BV như mang khẩu trang, mặc phòng hộ cá nhân,…);
2) Tiến hành khử khuẩn khu vực tiếp nhận, khám sàng lọc và các khoa, phòng có liên quan;
3) Rà soát, củng cố quy trình khai báo y tế, phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, xét nghiệm,… (nếu có);
4) Trong thời gian tạm ngưng hoạt động khám ngoại trú, vẫn cho xuất viện BN nội trú nếu có chỉ định, đảm bảo BN đã được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát;
5) Tất cả nhân viên công tác tại khu vực sàng lọc cần được theo dõi tình trạng sức khỏe hàng ngày và làm xét nghiệm PCR tầm soát COVID định kỳ hàng tuần, khi xuất hiện triệu chứng cần cách ly và lấy bệnh phẩm XN PCR ngay lập tức;
6) Tuỳ thuộc kết quả xét nghiệm và mức độ triển khai các hoạt động nêu trên để Sở Y tế quyết định cho BV sớm hoạt động trở lại bình thường (thường trong vòng 24-48 giờ), hoặc tiếp tục tạm ngưng hoạt động khám ngoại trú, hoặc tạm thời phong toả toàn bộ BV.
(Quy định xử lý tình huống này không áp dụng đối với các BV được phân công nhiệm vụ chuyên tiếp nhận điều trị COVID19 theo Kế hoạch số 2802/KH-SYT về Chủ động ứng phó tình hình dịch bệnh COVID-19 của khối điều trị trong tình huống Thành phố Hồ Chí Minh có 5.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2).
2.2. Ca bệnh COVID-19 (+) được phát hiện một cách bị động:
Bệnh viện báo cáo ngay Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC); đồng thời triển khai ngay các hoạt động sau:
1) Phong toả tạm thời bệnh viện, mức độ phong toả có thể chỉ một khu vực (nếu BN (+) chỉ đến khám tại 1 phòng khám) hoặc cả bệnh viện (nếu BN (+) đang nằm điều trị nội trú);
2) Truy xuất camera xem có nhân viên nào thuộc F1 để cách ly tập trung; tất cả nhân viên còn lại hiện đang ở BV thì cách ly tạm tại BV; nhân viên đang ở ngoài BV thì cách ly tạm tại nhà.
3) Thông báo tình hình đến TTYT quận/huyện để điều tra dịch tễ và khử khuẩn toàn bệnh viện.
4) Triển khai xét nghiệm tầm soát tất cả nhân viên của bệnh viện và nhân viên cung ứng các dịch vụ tiện ích tại BV, người bệnh và thân nhân người bệnh đang nằm điều trị tại bệnh viện. Đối với nhân viên, người bệnh tiếp xúc với BN (+) thì lấy XN đơn, nhân viên và người bệnh không tiếp xúc trực tiếp với BN (+) thì lấy XN gộp. Nếu BN nằm điều trị nội trú nhiều ngày mới phát hiện ra, cần tiến hành XN khẩn.
5) Tất cả nhân viên cần được theo dõi tình trạng sức khỏe hàng ngày và làm xét nghiệm PCR tầm soát COVID lại định kỳ hàng tuần, khi xuất hiện triệu chứng cần cách ly và lấy bệnh phẩm XN PCR ngay lập tức;
6) Đối với những bệnh nhân đang điều trị ngoại trú dài hạn, như suy thận mạn đang chạy thận nhân tạo, cao huyết áp/suy tim,… báo cáo khẩn về phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế để được hỗ trợ tạm chuyển tuyến điều trị.
7) Rà soát, phát hiện các lỗi và củng cố quy trình khai báo y tế, khám sàng lọc, cách ly, xét nghiệm,…
8) Trong thời gian tạm phong toả, vẫn cho xuất viện BN nội trú nếu có chỉ định, đảm bảo BN đã được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, yêu cầu BN tự cách ly tại nhà và thông báo với y tế địa phương (thông qua HCDC).
9) Đảm bảo cung ứng nước uống, thức ăn cho nhân viên và người bệnh trong thời gian tạm phong tỏa.
10) Tuỳ thuộc kết quả xét nghiệm và mức độ triển khai các hoạt động nêu trên để Sở Y tế quyết định cho BV hoạt động trở lại, hoặc đề xuất Ban Chỉ đạo TP chính thức phong toả bệnh viện (có thời hạn theo quy định).
SỞ Y TẾ TP.HCM