Hồ sơ dự thảo Nghị định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM vừa được Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, trong đó có lĩnh vực y tế.
Dự thảo do Bộ Nội vụ xây dựng đề xuất phân cấp cho chính quyền TP.HCM trên 9 nhóm ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, trong quản lý về y tế, hồ sơ dự thảo đề xuất giao cơ quan chuyên môn cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM. Quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt trên địa bàn, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh đối với một số nhóm thuốc; định kỳ thông tin Bộ Y tế theo dõi kiểm tra, giám sát.
Ngoài lĩnh vực y tế còn có 8 nhóm ngành, lĩnh vực được hồ sơ dự thảo đề cập bao gồm:
Thứ nhất, trong quản lý nhà nước về đầu tư, TP.HCM được quyết định cập nhật bổ sung Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư mới phát sinh theo xu thế phát triển công nghệ của thế giới và từ thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội.
UBND trình HĐND TP.HCM ban hành chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác.
TP cũng có thể quyết định điều chỉnh kéo dài thời hạn hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp theo Nghị định 31/2021 của Chính phủ.
Thứ hai, trong quản lý về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước, cho phép TP.HCM quyết định các chế độ chi tiền công, phụ cấp ngoài chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách TP, ngân sách Trung ương không hỗ trợ, mà không phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.
TP.HCM có thể ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách phù hợp điều kiện (trừ định mức sử dụng xe ô tô công) và sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách TP để thanh toán đối với phần chênh lệch.
Địa phương cấp và điều chỉnh giấy phép lập cơ sở bán lẻ mà không cần lấy ý kiến Bộ Công Thương.
Thứ ba, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường, Bộ Nội vụ đề xuất TP.HCM quyết định quy mô dân số tại các dự án nhà ở xã hội bảo đảm phù hợp, tương ứng với chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng tăng thêm.
TP.HCM có thể cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng; giao Công an TP.HCM thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy đối với công trình xây dựng cấp I.
Địa phương được quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy mô việc xây dựng công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác không nhằm mục đích để ở hoặc kinh doanh.
Thứ 4, về lĩnh vực giao thông vận tải, UBND TP.HCM có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa Quốc gia thuộc địa giới hành chính TP.
TP thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải tại cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, khu neo đậu đối với các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng kết nối đường thủy nội địa quốc gia, vùng nước cảng biển… thuộc địa giới hành chính.
Thứ 5 là quản lý về y tế như đã nêu ở phần đầu bài viết.
Thứ 6, trong quản lý về giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, TP.HCM được phát hành tài liệu giáo dục địa phương (khi chưa có cơ chế in ấn phát hành tài liệu giáo dục địa phương); xây dựng thí điểm các mô hình trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục địa phương (khi chưa có những quy định cụ thể)
Thứ 7, trong quản lý về lao động, TP.HCM thực hiện chấp thuận giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với các trường hợp tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có trụ sở hoạt động trên địa bàn.
Thứ 8, với lĩnh vực khoa học và công nghệ, TP.HCM được cấp, thu hồi giấy chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
TP được cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao; kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện hoạt động của các cơ sở ươm tạo công nghệ cao.
Thứ 9, trong quản lý nhà nước về nội vụ, dự thảo đề xuất cho phép TP.HCM quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, đảm bảo phù hợp với đặc thù địa phương, không làm tăng số lượng cơ quan chuyên môn hiện có.
Quyết định mức thưởng thêm đối với tập thể, cá nhân lập thành tích vượt trội hoặc đặc biệt xuất sắc đột xuất trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của TP.HCM ngoài mức thưởng theo quy định hiện hành.
TP.HCM quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các quận, huyện, đảm bảo phù hợp với đặc thù TP; quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập…
Theo Bộ Nội vụ, nhiều nội dung về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM tại Nghị định 93/2001 đến nay đã được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ quy định thẩm quyền chung cho tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không còn phân cấp riêng cho TP.HCM. Nhiều nội dung về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và cũng không còn phù hợp thực tiễn để tạo động lực thúc đẩy TP phát triển
Theo Nguồn Sở Y Tế